Hơn 60% hoạt hình trên thế giới là anime (hoạt hình theo phong cách Nhật) và hơn phân nửa trong số những người hâm mộ anime không phải là trẻ con.
Xuất hiện trên thị trường Nhật với phiên bản lồng tiếng lần đầu tiên năm 1932, anime Nhật bắt đầu có những bước đi đầu tiên đầy khó khăn trước đối thủ đáng gờm là Walt Disney. Chính lúc anime Nhật Bản rơi vào khủng hoảng tưởng chừng sẽ bị xóa sổ thì nhà làm phim hoạt hình đại tài Osamu Tezuka xuất hiện. Ông đã thổi vào anime một làn gió mới tràn đầy sinh lực và làm hồi sinh cả một nền hoạt hình ngỡ đã chết.
Osamu Tezuka được xem là cha đẻ của văn hóa anime hiện đại Nhật Bản. Sau một loạt các phim hoạt hình thành công, anime Nhật sở hữu lượng fan khổng hồ trên toàn thế giới.
Anime không chỉ là thế giới thần tiên dành cho con nít mà ở đó còn ẩn chứa cả những bài học giá trị về cuộc sống, về cách làm người, về tình yêu mà bất cứ người lớn nào cũng cần phải học. Đây cũng chính là điểm khác biệt lớn của anime Nhật và cartoon phương Tây.
Cùng điểm qua một số anime nổi tiếng, đậm chất nhân văn của Nhật Bản.
Grave of Fireflies – nước mắt và nỗi buồn chiến tranh
Grave of Fireflies với tựa tiếng Việt là Mộ đom đóm, bộ phim hoạt hình của hãng Ghibli sản xuất năm 1988 do đạo diễn Takahata Isao viết kịch bản và đạo diễn. Nhà nghiên cứu lịch sử hoạt hình Ernest Rister từng nhận xét về Mộ đom đóm: “Đây là bộ phim hoạt hình nhân văn nhất mà tôi được xem!”
Mộ đom đóm kể về cuộc sống trong chiến tranh của những người dân Nhật ở cuối thế chiến thứ 2. Nhân vật chính của câu chuyện là Seita, một cậu bé giàu tình yêu, hơi ương ngạnh, là con của một người lính hải quân và cô em gái dễ thương Setsuko của cậu. Bố và mẹ cậu bé đều đã chết trong trận chiến, cậu và em phải sống nương tựa nhà dì. Nhưng vì lương thực không đủ người dì luôn tỏ ra cau có và giận dữ, cuối cùng không muốn Seita và Setsuko ở lại nhà bà nên bà đã đẩy hai đứa trẻ ra ngoài.
Hầm trú bom nho nhỏ cạnh bờ sông là nơi hai anh em cư ngụ trong những ngày lang thang không nhà. Cả hai đều cố gắng sống qua những tháng ngày đói khổ ấy nhưng cô em gái Setsuko đã không chống chọi được với căn bệnh suy dinh dưỡng và qua đời. Sau cái chết của em gái, Seita lang thang khắp nơi và cậu gục chết ở ga tàu – “Đêm 21/9/1945 Đó là cái đêm tôi chết” – câu nói cuối cùng đầy ám ảnh của Seita.
Lần đầu tiên, chiến tranh, nỗi buồn, những mất mát đau xót tột cùng của con người lại được tái hiện đầy chân thực đến thế qua một bộ phim hoạt hình – nơi chỉ dành cho ước mơ và những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Bộ phim đã mang đến những thành công không chỉ cho hãng hoạt hình nổi tiếng Ghibli mà còn mang lại cho người Nhật, thế giới một cái nhìn khác về cuộc chiến, về tình người trong chiến tranh.
NHK ni Youkoso! – bài học cuộc sống dành cho người trẻ
Bộ phim NHK ni Youkoso! (theo tựa tiếng Việt – Chào mừng đến với NHK) là bộ phim đươc chuyển thể từ bộ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Takimoto Tatsuhiko xuất bản năm 2002. Chào mừng đến với NHK được xem là bộ phim hoạt hình tiên phong có những nhìn nhận thẳng thắn vào thực tế đời sống giới trẻ Nhật, đưa những hiện tượng nhức nhối của xã hội vào phim hoạt hình.
Phim kể về Satou Tatsuhiro 22 tuổi – một hikikomori đã ba năm (hikikomori là những người chỉ sống quanh quẩn trong phòng, không làm việc, không giao tiếp xã hội). Satou Tatsuhiro đã bỏ học khi mới là sinh viên năm thứ nhất vì sợ lớp học, sợ giao tiếp, hai ngày anh mới ra ngoài một lần để mua thức anh. Dần dần, Satou Tatsuhiro trở thành con người khép kín và sợ hãi mọi thứ.
Cuộc sống buồn tẻ cứ thế trôi đi cho đến một ngày cậu gặp được cô gái kì lạ Nakahara Misaki – người tự nhận có thể chữa chứng hikikomori của cậu. Mọi rắc rối cũng như bí mật được vén màn từ đây, dù Nakahara Misaki là người hay là tiên thì cuối cùng cũng giúp Satou Tatsuhiro cũng nhận ra anh không hề mắc chứng hikikomori mà chỉ do chính những rào cản từ con người anh dựng nên bi kịch. Anh bắt đầu dấn thân vào một cuộc chiến với những ôm trùm ở tổ chức NHK…
Trong phim, các nhà làm phim đã khéo léo lồng ghép những bài học cuộc sống thông qua việc phô bày các vấn nạn xã hội mà thanh niên Nhật Bản nào cũng đang đối diện như: nạn hiki, anime otaku, mọt game online, tự tử qua mạng… Với cách khai thác và đặt vấn đề hài hước nhưng cũng không kém phần “con người”, những nhà làm phim Chào mừng đến với NHK đã mang đến triết lý sống sâu sắc mà không phải ai cũng có thể cảm nhận được ngay lần đầu thưởng thức – đây cũng là một lát cắt rất riêng trong dòng phim anime Nhật.
My neighbor Totoro – Ca ngợi tình người một cách giản dị
Lấy bối cảnh những năm 1930 tại Nhật, My neighbor Totoro với tựa tiếng Việt –Hàng xóm tôi là Totoro bộ phim là bức tranh đẹp về tình cảm gia đình, tình xóm làng, tình yêu thiên nhiên của hai nhân vật chính Satsuki và Mei.
Họ là hai chị em gái tinh nghịch và đầy cá tính trong gia đình Kusakabe, có người bố là một văn sĩ và người mẹ ốm nặng đang nằm viện. Trong một lần vào rừng chơi, cô em Mei đã gặp được con vật khổng lồ, linh thiêng của rừng núi. Không những không sợ hãi, cô bé còn tỏ ra thích thú và đặt tên con vật ấy là Totoro.
Mei mang câu chuyện thần kì ấy kể cho chị Satsuki nghe và Satsuki cũng ao ước một lần được gặp Totoro. Và ước nguyện của Satsuki đã thành sự thật, trong một lần đứng đợi cha về ở trạm xe bus, cô đang nhìn thấy con vật khổng lồ, đáng yêu Totoro. Khi ấy trời mưa rất lớn, Satsuki tốt bụng đã cho Totoro mượn cây dù còn lại của mình. Cũng chính nhờ tấm lòng của cô bé mà sau này, khi nghe tin mẹ ốm nặng, Totoro đã cho hai chị em mượn xe buýt mèo vàng của mình để đến thăm người mẹ đang nằm viện.
My neighbor Totoro là bài học lớn về sự chia sẻ, cảm thông giữa người với người trong cuộc sống – nơi thắm đượm tình cha con, tình vợ chồng, tình làng xóm, tình chị em, tình bạn bè… Phép lạ là điều có thực, nếu bạn thực sự tin tưởng vào điều đó.
Bộ phim có khá nhiều chi tiết viễn tưởng nhưng nó không quá xa vời và phô bày như những phim hoạt hình khác của Disney. Mọi chi tiết đều nhẹ nhàng, đơn giản nhưng sâu sắc đúng như phong cách kín đáo, thâm trầm của người Đông phương nói chung và người Nhật nói riêng.