Ý kiến của otaku Melonpan đã gây ra phản ứng trái chiều trong cộng đồng mạng. Xét cho cùng, Nhật Bản là đất nước có văn hóa riêng biệt, độc đáo; không phải bất kỳ người nước ngoài nào cũng cảm thấy hòa hợp khi định cư ở đây.
Melonpan dường như là otaku nổi tiếng nhất ở Thụy Điển, nếu không muốn nói là ở các nước phương Tây nói chung. (Otaku là từ chỉ một ai đó quá yêu thích nấu ăn, anime, manga, vocaloid, trò chơi điện tử hay cosplay…).
Nhiều năm qua, Melonpan còn muốn đến Nhật Bản sinh sống. Tuy nhiên sau một chuyến đi đến xứ sở mặt trời mọc, Melonpan đã thấy thực tế ở Nhật không như mình nghĩ. Anh trút bầu tâm sự trên Twitter vào cuối tháng 10 vừa qua, nhận về 17k lượt thích và 8k bình luận.
Những điều tôi nhận ra sau khi đến Nhật:
Tôi chẳng muốn sống ở Nhật Bản đâu.
* Môi trường làm việc thật kinh khủng.
* Khắp xung quanh (nhất là thành phố) quá ồn ào.
* Nhà cửa thì nhỏ bé mà không cách nhiệt tốt.
* Có quá nhiều du khách (nhất là khách Trung) ở các điểm du lịch nổi tiếng như Kyoto, Tokyo và Osaka.
* Nhiều nơi đang xuống cấp, suy tàn.
Nhật Bản – điều này đang xảy ra thế này?
Chia sẻ của chàng trai Bắc Âu cho thấy 1 góc nhìn của người nước ngoài khi tiếp xúc với văn hóa, xã hội Nhật trên thực tế. Từ đó, anh nhận ra Nhật Bản không tuyệt vời và toàn màu hồng như mình đã nghĩ.
Tuy nhiên, đối với nhiều cư dân mạng, những điều anh Melonpan chỉ ra không có gì mới mẻ, vốn ăn sâu vào nếp sống ở Nhật. Cả người dân xứ hoa anh đào lẫn người nước ngoài định cư tại đây đều đã chấp nhận, làm quen, thậm chí sống tốt với các vấn đề này.
Trang tin chuyên về Nhật Bản Soranews24 cũng đưa ra nhận định chi tiết về “5 lý do đừng sống ở Nhật Bản”. Liệu phản ánh khá gay gắt từ Melonpan có sát sao với thực tế hay không? Hãy cùng đọc tiếp nhé.
1. Môi trường làm việc kinh khủng?
Nhiều người đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên vấn đề làm việc quá sức đã diễn ra suốt nhiều thế hệ ở Nhật. Thậm chí còn có từ karoshi chỉ những cái chết đau đớn vì làm việc quên thân, là mặt tối đằng sau phép màu kinh tế Nhật Bản.
Nhiều người phương Tây đến Nhật sẽ thấy mình phải làm việc nhiều giờ hơn, ít cân bằng giữa công việc với cuộc sống so với ở quê nhà.
Tuy nhiên gần đây chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức đang nỗ lực cải thiện vấn đề. Microsoft Nhật Bản vào tháng 8/2019 đưa ra chương trình làm việc chỉ 4 ngày, nghỉ 3 ngày trong tuần. Sau 1 tháng, hiệu quả rất tích cực khi năng suất lao động tăng lên gần 40%.
Nhưng dù sao, đã đến Nhật thì phải làm quen với văn hóa làm việc hết mình, đáp ứng yêu cầu gắt gao của các công ty và xã hội nói chung.
2. Các thành phố quá ồn?
Thật ra, tình trạng này cũng xảy ra ở hầu hết các đô thị lớn trên thế giới. Ví dụ như chẳng ai đến Quảng trường Thời đại ở New York để tìm sự tĩnh tâm trong tâm hồn cả!
Nhưng theo Soranews24, đúng là ở các thành phố Nhật Bản thường gắn loa hay cử nhân viên đứng ra rao bán, mời mọc khách đi đường. Nếu bạn chịu đựng được sự ồn ào này, biết đâu vốn tiếng Nhật của bạn sẽ tăng lên đáng kể? Còn nếu là tuýp người ưa tĩnh lặng, bạn sẽ cảm thấy phiền toái với những lời rao quá khí thế ở Nhật!
3. Nhà cửa ở Nhật quá nhỏ, cách nhiệt kém?
So với chuẩn quốc tế thì nhà cửa xứ sở Phù Tang đúng là khá nhỏ bé, vấn đề này đã bị du khách phương Tây than phiền râm ran suốt mấy chục năm.
Vấn đề cách nhiệt cũng không tốt lắm. Các cuốn sách du lịch thường khéo léo viết rằng: Nhà ở Nhật lạnh lẽo vào mùa đông vì chúng được thiết kế để trở nên thoáng mát vào mùa hè. Tuy nhiên, sự thật là vào tháng 7-8, tiết trời oi bức và mọi người phải bật máy điều hòa mới cảm thấy dễ chịu được.
So với khí hậu lạnh giá ở các nước Bắc Âu, chuyện Melonpan than phiền về nhà cửa Nhật Bản cũng có thể thông cảm được nhỉ?
4 và 5. Nhật Bản quá đông du khách, nhiều công trình xuống cấp?
Cũng đúng, vì Nhật Bản đang thu hút được lượng đông đảo du khách quốc tế hơn bao giờ hết. Và dù họ đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, bạn sẽ luôn dễ nhận ra du khách Trung Quốc qua ngoại hình, ngôn ngữ…
Thêm 1 điều nữa, cố đô Kyoto từng là nơi quy tụ đông khách du lịch nhất Nhật Bản – cả trong nước lẫn quốc tế. Bạn có thể xem ảnh du lịch trên tạp chí và ấn tượng với vẻ đẹp cổ kính, bình yên, trầm lặng suy tư… của các di tích cố đô. Nhưng thật ra các điểm du lịch ở Kyoto lúc nào cũng đông khách, trừ khi bạn đến thăm vào sáng sớm hay đợt thấp điểm.
Cuối cùng, Melonpan không nói nơi nào của Nhật Bản mà anh ấy nghĩ rằng đang xuống cấp, vì vậy cũng khó thảo luận chi tiết vấn đề này. Nhưng chắc chắn, không ai có thể đòi hỏi công trình nào ở Nhật cũng đẹp như tranh thủy mặc, nhà trọ ryokan thì ngăn nắp chỉn chu như ảnh tạp chí, còn các tòa nhà thì luôn hiện đại và trang bị công nghệ “tận răng” đến từ thế kỉ 22? Nói chung, nhận định các công trình ở Nhật xuống cấp là không thuyết phục đâu nhé Melonpan.
Tạm kết
Bài viết trên Twitter của Melonpan thể hiện quan điểm cá nhân, không thể phán xét là đúng hay sai hoàn toàn. Bạn có thể tham khảo đôi chút trước khi quyết định thăm thú hay chuyển đến học tập, làm việc ở Nhật. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc bạn cảm thấy yêu mến đất nước này qua sách vở, truyện tranh,… không đồng nghĩa bạn sẽ thoải mái khi đến sống lâu dài.
Nhật Bản, cũng như mọi quốc gia khác, đều có ưu và nhược điểm. Để là một cư dân vui vẻ ở đây thì bạn nên chịu được không khí hơi huyên náo, rộn rã, cũng như nhiều địa điểm luôn trong tình trạng đông đúc.
Bạn cũng nên “nhập gia tùy tục”, chấp nhận văn hóa làm việc cuồng nhiệt. Trong một số trường hợp, hãy trang bị “tinh thần thép” để ưu tiên cho công việc nhiều hơn cuộc sống cá nhân. Liệu bạn có chấp nhận được các đặc trưng của văn hóa và xã hội Nhật Bản hay không – đó là yếu tố quyết định về một cuộc sống vui vẻ, phơi phới ở đất nước mặt trời mọc.