Hisone to Masotan
- Số tập: 12
- Năm phát hành: 2018
- Nhà sản xuất: studio Bones
- Thể loại: Sci-fi, hành động, quân sự, lãng mạn, hài hước, bi kịch
Amakasu là một nữ nhân viên bàn giấy làm việc trực thuộc quân đội. Trong một lần thực hiện công tác, cô đã bị nuốt bởi một sinh vật lạ kì. Nhờ đó, Amakasu biết đến sự hiện diện của OTF, hay còn gọi là rồng, được nguỵ trang dưới lớp vỏ bọc quân cơ chuyên dụng. Cuộc đời chinh chiến quanh năm với bưng biền của cô nàng cùng chú rồng bắt đầu cất cánh.
VỀ NỘI DUNG
NỘI DUNG
70%
Hiso Maso có ý tưởng về nội dung khá tốt. Bắt đầu bằng việc một nữ nhân viên tài cán không hơn người là bao lại gặp rắc rối lớn về tính cách, giao tiếp, hoà đồng có cơ hội đổi đời khi được chú rồng OTF đón nhận, bộ phim không khỏi gợi lên sự thích thú tò mò, bởi tuýp nhân vật chính như thế rất dễ được đón nhận, đồng cảm, cũng như cưỡi rồng là đề tài fantasy quý giá muôn thuở. Thế nhưng plot planning của phim lại chậm và bị chệch hướng hơn về phía tâm lí, xã hội cùng các tình tiết hơi rườm rà, không cần thiết. Đến cuối cùng, bộ phim cũng không thể ấn định một cái kết có ý nghĩa hoặc mang một dư vị sâu lắng. Nhìn chung, đây là một kịch bản đuối sức, mất phương hướng. Mặc cho screenwriting đã làm rất tốt trong việc hoàn thành các phân cảnh rõ ràng, có hướng đi cụ thể, song không thể cứu vãn kịch bản tổng thể. Các tình tiết trôi qua càng lúc càng mơ hồ, thiếu logic, thiếu “sức sống”.
Ở phần nội dung, ngoài lỗi của kịch bản tổng ra, các bộ phận khác lại làm rất tốt. Xét về mặt dàn dựng phân cảnh, tiếp cận tình huống, đẩy bật thoại đã phần nào níu kéo khán giả quay lại. Sự trôi chảy của phân cảnh, phát triển nhân vật, chọn cao trào trong tình tiết khiến người xem cảm thấy dễ chịu, dễ chấp nhận. Thay vì huy động neuron để suy đoán, dòng chảy của phim ôn hoà làm dịu lại tâm trí khán giả, giúp họ cảm nhận tốt hơn các thành tố khác của phim. Bù cho lỗi lớn của plot, screenwriting đã giúp phô ra những mặt hoàn thiện của bộ phim.
Xét về nhân vật của Hiso Maso, nếu đứng trên phương diện fantasy, dàn nhân vật này thiếu sự bùng nổ, nếu trên phương diện tâm lí xã hội, dàn nhân vật thực hiện tốt hơn vai trò của mình. Các nhân vật vận động chi tiết viễn tưởng không nhiều, họ không được xây dựng để tư duy trong chiến đấu mà thay vào đó họ chiến đấu trong tư duy. Đa phần phát triển nhân vật đều xoáy vào quan điểm, tính cách, lối giải quyết các vấn đề xã hội, khi họ giải quyết mâu thuẫn cá nhân – cá nhân, cá nhân – cộng đồng xong thì tình tiết thắt nút được giải quyết và nhân vật, nội dung cùng được phát triển. Cách làm này ổn định, dễ xử lí đối với nhà làm phim cũng như dễ tiếp nhận với khán giả, nhưng đổi lại, những yếu tố kì ảo lẫn chú rồng OTF bất đắc dĩ bị “hạ cấp” xuống làm nền cho nữ chính.
Tổng quát, cách dàn dựng phát triển nội dung, nhân vật tốt, tuy nhiên, bản thân nhân vật, nội dung dàn dựng chưa tạo điểm nhấn.
VỀ HÌNH ẢNH
HÌNH ẢNH
80%
Phong cách artwork đồng quê với tạo hình nhân vật mộc mạc, blending hài hoà khá phù hợp với ý tưởng chung của phim. Hiso Maso có lẽ nhắm đến sự an yên, bình dị của nội dung tâm lí xã hội có mang yếu tố kì ảo, do đó, artwork mang độ đằm là một lựa chọn xử lí hợp lí. Bộ phim tạo cảm giác như đang quay về với các studio thập niên 70, 80 nhưng với chất lượng tốt hơn, phổ màu biến hoá rộng hơn.
Tạo hình nhân vật với các nét mảnh, thân dạng bầu bĩnh, giản dị giúp khán giả hòa đồng với nhân vật hơn, đồng thời tránh được hiệu ứng “ấn tượng khó phai” (yêu thích hoặc không thích nhân vật dựa trên cảm quan thị giác ban đầu). Ngay cả OTF những chú rồng cũng không tạo hình quá diêm dúa. Thay vào đó, các cấu trúc rắc rối được trau chuốt như vỏ động cơ ngụy trang, địa hình, cấu trúc các công trình xây dựng làm cân bằng hình ảnh của phim. Sự đơn giản và phức tạp trong thiết kế đã được phân bố, xử lí khá đúng đắn.
Ở khâu hoạt hoạ và các hiệu ứng kĩ xảo, Hiso Maso cũng có sự luân chuyển tốt giữa các hoạt hoạ đơn giản và phức tạp, ứng biến linh hoạt theo từng phân cảnh. Trong một phân cảnh bầu trời khi các OTF bay, các hình ảnh bố trí tổng thể cùng các hiệu ứng đơn giản xuất hiện trước. Hỗ trợ cho phát triển nội dung phân cảnh, các hiệu ứng thay đổi góc, vặn xoắn,… được tung ra đúng với diễn biến, không hề bị thiếu bớt hoặc lạm dụng thái quá. Có thể nói, hoạt hoạ có độ thẩm thấu cao với nội dung phân cảnh. Bên cạnh đó, phông nền cũng được dùng tốt. Tại các phân cảnh hiệu ứng đơn giản, phông nền phân mảng rõ, chi tiết, đẹp, bắt mắt, ngược lại khi hoạt họa tăng tốc độ, phông nền giảm bớt đi độ phân nét, quay trở về chủ yếu với nền màu trơn chủ đạo. Toàn bộ phim, tông màu lục, lam, trắng được phối với tỉ lệ cao, càng nổi bật thêm chất “làng quê” dung dị.
VỀ ÂM THANH
ÂM THANH
80%
Âm nhạc dùng trong phim có xu hướng thiên về dòng nhạc đương đại mang âm hưởng dân tộc của Nhật Bản. Các bản nhạc không có độ chênh lớn về âm giai lẫn nhịp điệu, vì thế có sức dãn hơn, tức là tốc độ hoạt cảnh có cao hơn hoặc thấp hơn nhịp điệu bản nhạc thì vẫn hiệu chỉnh được. Ngoài ra, ở các tập cuối, phim còn sử dụng thêm khí cụ lục lạc và chương để tăng thêm chất thần bí cho phim. Âm thanh của phim còn giúp các phân cảnh được “lí tưởng hoá”, tăng thêm sự kích thích cho các hoạt cảnh chiến đấu, xung đột, làm dịu lại ở những khung cảnh nói chuyện tâm sự, và nhất là âm thanh biết “im” đúng chỗ.
Nhắc đến âm thanh không thể thiếu sót phần lồng tiếng, bởi đây chính là cái hồn của nhân vật. Seiyuu của Hiso Maso cảm nhận vai tốt. Họ sáng tạo cho vai diễn chứ không lặp lại cứng nhắc những quan điểm về nhân vật hay bị ràng buộc về vai trò của nhân vật. Có thể nhận thấy Amakasa, Okonogi, Kakiyasu,… đang nói chuyện chứ chẳng phải có người lồng tiếng cho họ nữa. Các seiyuu đã nhập tâm, trở thành chính nhân vật, hoàn toàn không có sự áp đặt của họ lên nhân vật. Các đài từ được xoay chuyển rất tự nhiên, dễ thương. Phần lồng tiếng của Hiso Maso chuyên nghiệp, xử lí tốt, giảm thiểu bớt các âm điệu “lấp liếm”, hoặc gào thét quá độ. Chính phần lồng tiếng này đã giúp dàn nhân vật phát triển đúng hướng, rõ ràng.
Âm thanh ở bộ phim này chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ nhân vật, biểu lộ nội tâm, nhấn nhá cảm xúc tại các phân cảnh. Ở vị trí đó, âm thanh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
NHẬN XÉT
Ra mắt trong loạt anime mùa xuân 2018, Hisone to Masotan (Hiso Maso) đã khiến nhiều khán giả ngạc nhiên về sự sáng tạo và ứng biến linh hoạt tại các công đoạn làm phim của studio Bones. Bộ phim khơi dậy niềm hứng khởi, cũng như mang nhiều điểm độc đáo trên tổng thể. Tuy nhiên bộ phim khó để lại điểm nhấn bởi một số sơ xuất trong quá trình dàn dựng. Vì vậy, Hiso Maso đành dừng bước trước những đối thủ nặng kí, chấp nhận vắng bóng tại các danh sách đề cử ở các giải thưởng thường niên cũng như tại các bảng xếp hạng lớn khác.
Hiso Maso là một sự kết hợp đáng nể giữa âm thanh, hình ảnh cùng dàn dựng phim, thiết kế nhân vật với nhiều điểm đặc sắc đầy sáng tạo táo bạo, cũng là bộ phim khiến người xem tiếc nuối vì chỉ thêm một chút nữa ở kịch bản tổng thể, bộ phim có thể sẽ trở thành “ngựa ô” của mùa. Hiso Maso tạo được sức hút nhưng không thể duy trì được nó, và không thể tận dụng sức hút ấy để đẩy khán giả lên đỉnh cao của thưởng thức phim, thế nên đành trở thành một tác phẩm đầu tư hoành tráng nhằm mục đích giải trí làm chủ yếu.