Khách du lịch nước ngoài trước khi đến Nhật thường truyền tai nhau một bí kíp, đó là phải tự mang xịt khử mùi hoặc lăn nách của mình đi. Bởi lẽ, bạn sẽ rất khó tìm thấy sản phẩm khử mùi thực sự ở xứ sở Mặt trời mọc.
Thực tế thì bạn vẫn có thể mua lăn nách hay xịt khử mùi ở Nhật, nhưng chúng thực sự hiếm gặp. Các sản phẩm khử mùi người Nhật thường sử dụng đa số có mùi rất nhẹ, không có nhiều tác dụng nếu bạn thực sự gặp vấn đề với mùi cơ thể.
Lý do là cơ thể của người Nhật quả thực có rất ít mùi tự nhiên. Họ “nhẹ mùi” hơn phần còn lại của thế giới, nên ở cạnh họ cực kỳ dễ chịu.
Người phương Tây từ lâu đã phải cảm thấy ganh tỵ với người Nhật ở điểm này. Nhiều giả thuyết được đặt ra, từ chế độ ăn uống lành mạnh, cho đến thói quen thường nhật. Nhưng rốt cục, mọi thứ đều quy về một đặc điểm là “di truyền.
Người Nhật sở hữu “gene không hôi nách”
Về cơ bản, cơ thể người có 2 tuyến mồ hôi. Một là eccrine – còn gọi là tuyến mồ hôi tổng quát – vốn có kích thước nhỏ và được phân bổ đều trên bề mặt biểu bì da. Và thứ 2 là apocrine – tuyến mồ hôi đầu hủy, có kích cỡ lớn hơn nhưng mật độ thưa thớt. Chúng chỉ xuất hiện ở một số vùng “hiểm hóc” như nách, rốn, bộ phận sinh dục thôi.
Nhiệm vụ của eccrine – còn gọi là tuyến làm mát – là tiết nước muối khi cơ thể quá nóng trực tiếp qua các lỗ thông trên da. Apocrine thì khác, phải đưa mồ hôi vào nang lông, từ đó mới được đẩy gián tiếp lên da.
Trong 2 tuyến mồ hôi, apocrine là nguyên nhân gây ra mùi cơ thể. Mồ hôi của apocrine tạo ra không chỉ có nước muối, mà còn cả protein, chất béo và steroid – những loại thực phẩm ưa thích của vi khuẩn.
Sau khi tiêu hóa, vi khuẩn sẽ thải ra các chất có mùi. Và vì các chủng loại vi khuẩn trên mỗi người là khác nhau hoàn toàn, nên mùi cơ thể của chúng ta cũng khác nhau đáng kể.
Nhưng người Nhật thì liên quan gì ở đây? Hoàn toàn có! Họ là một dân tộc thực sự may mắn, khi đa số người Nhật đang sở hữu một loại gene cho phép cơ thể sản sinh ít tuyến apocrine hơn phần còn lại của thế giới. Loại gene mang tên ABCC11.
Gene chống hôi nách – đặc sản của người Đông Á
ABCC11 là một biến thể của gene GBCC11, nhưng chức năng thì khác nhau. Người sở hữu gene có ký tự G thì tạo ra nhiều tuyến apocrine, và ngược lại ký tự A thì ít hơn hẳn, đến mức thậm chí gần như không có mùi cơ thể.
Vấn đề là GBCC11 là gene gốc, đã xuất hiện từ rất lâu rồi, trong khi gene ký tự A thì chỉ mới xuất hiện độ 2000 thế hệ thôi. Vậy nên đa phần dân số thế giới sẽ sở hữu gene gây mùi GBCC11, thậm chí ngay cả người Nhật thời xưa cũng không ngoại lệ .
Theo số liệu, gene nặng mùi GBCC11 có tỷ lệ gần như tuyệt đối ở người châu Phi, Mỹ Latin. Ở châu Âu, tỷ lệ dù thấp hơn cũng lên tới 80%.
Cách đây 2000 thế hệ, người Nhật đã sở hữu gene chống hôi nách, cùng với nhiều người ở Đông Á khác
Còn ở Đông Á, loại gene này lại chiếm tỷ lệ thấp, như người Nhật chỉ có 25% dân số sở hữu gene “hôi nách”. Nhưng đáng chú ý hơn cả là không chỉ Nhật, nhiều quốc gia khác cũng như vậy, thậm chí là với tỷ lệ tuyệt vời hơn. Như người Trung Quốc, họ chỉ có 10% mang gene nặng mùi. Còn Hàn Quốc, tỉ lệ gần như là 0%.
Lí do khiến gene ít mùi lan rộng trong cộng đồng người Đông Á vẫn chưa được hiểu rõ. Nhưng có giả thuyết cho rằng đó là tính trạng trội, giúp cơ thể họ thích nghi với khí hậu lạnh lẽo tại khu vực vĩ độ cao ở châu Á.
Bạn có gene hôi nách hay không? Câu trả lời nằm ở ráy tai
Các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Việt Nam có khí hậu nóng ẩm, nên sự thật là nhiều người sẽ mang trong mình loại gene hôi nách. Nhưng bạn cũng có thể “may mắn” được sở hữu gene ABCC11, và cách nhận biết chính là ráy tai của bạn.
Ráy tai cũng được tạo ra bởi các tuyến apocrine, và cũng do gene nặng mùi kia chi phối. Vậy nên nếu có ráy tai ướt thì rất tiếc, bạn nằm trong số những người “nặng mùi” rồi.