Nhắc đến người Nhật, chúng ta thường được xem những thông tin liên quan đến phụ nữ Nhật, cách giáo dục con cái, phong cách sống của người Nhật, nhưng có một nhân tố bị bỏ qua chính là sự khó khăn mà những người đàn ông trẻ đang phải chịu đựng khi tìm công việc ổn định có thu nhập cao.
Dân số Nhật Bản đang giảm dần đi theo từng ngày. Lần đầu tiên khi chính phủ nước này bắt đầu theo dõi về dân số từ hơn một thế kỷ trước, thì số trẻ em được sinh ra trong năm ngoái ít hơn 1 triệu, do dân số nước này giảm hơn 300.000 người. Nguyên nhân được cho là do những người trẻ tuổi Nhật Bản không còn quan tâm đến việc tìm bạn đời, những người phụ nữ lại xem trọng sự nghiệp hơn việc kết hôn và lập gia đình.
Nhưng còn một cách giải thích đơn giản hơn cho tỷ lệ sinh thấp của nước này: tỷ lệ sinh của Nhật Bản có thể đang giảm bởi vì ngày càng có ít cơ hội phù hợp cho giới trẻ, đặc biệt là nam giới trong một nước kinh tế phát triển. Trong một đất nước khi mà đàn ông thường được xem là gia trưởng và là trụ cột của gia đình, thất nghiệp có thể tạo ra một tầng lớp đàn ông không chịu kết hôn và sinh con bởi vì họ biết rằng họ không thể kham nổi cho gia đình tương lai của mình.
“Vấn đề giới tính khá tương đồng với xu hướng của thế giới – đàn ông đang chịu nhiều áp lực hơn”, bà Anne Allison, giáo sư nhân loại văn hóa học của trường Đại học Duke, người đã biên soạn những bài luận văn “Nước Nhật: Tương lai bấp bênh” nói. “Tỷ lệ sinh đang giảm, ngay cả tỷ lệ kết đôi cũng giảm. Và lý do chính là sự bất ổn về kinh tế”.
Điều này có thể làm bạn ngạc nhiên vì Nhật Bản – một đất nước có nền kinh tế đang phát triển mạnh và tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 3% nhưng những cơ hội làm ăn, đầu tư đang giảm dần bắt nguồn từ xu hướng bao quát hơn có tính chất toàn cầu, đó là tình trạng việc làm không ổn định ngày càng nhiều. Kể từ thời hậu chiến, Nhật Bản đã có truyền thống “việc làm ổn định”, như các chuyên gia về lao động công thường gọi, khi đó đàn ông bắt đầu sự nghiệp với công việc mang lại nhiều phúc lợi, lương tăng đều đặn, và hiểu rằng nếu họ làm việc tích cực, họ có thể giữ được việc đến khi về hưu.
Giờ đây, theo Jeff Kingston, giáo sư của Trường Đại học Temple tại Nhật bản và cũng là tác giả của một số sách viết về Nhật Bản, thì khoảng 40% lực lượng nhân công của Nhật là “không ổn định”, nghĩa là họ không làm việc cho các công ty có thể cho họ việc làm ổn định trong suốt sự nghiệp của mình, và thay vào đó là các việc làm tạm thời và bán thời gian với mức lương thấp và không có phúc lợi. Những nhân công tạm thời này được tính là có việc làm trong các thống kê của chính phủ. Chỉ khoảng 20% người làm việc không ổn định có thể được chuyển sang làm các công việc ổn định vào một thời điểm nào đó trong sự nghiệp của họ. Theo giáo sư Kingston, từ năm 1995 đến năm 2008, số người có việc làm ổn định của Nhật Bản đã giảm 3,8 triệu người trong khi số không ổn định lại tăng 7,6 triệu người.
Những người làm công việc không ổn định đôi khi được nhắc đến như là “freeters – những người làm việc tự do”, là sự kết hợp của từ “freelance- làm nghề tự do” và một từ tiếng Đức “arbeiter”, có nghĩa là nhân công. Theo giáo sư Kingston, sự gia tăng số người làm công việc không ổn định ở Nhật Bản bắt đầu vào những năm 1990, khi chính phủ điều chỉnh luật lao động nhằm cho phép các công ty trung gian sử dụng rộng rãi nhân công làm việc tạm thời và theo hợp đồng. Khi đó, do sự toàn cầu hóa gieo thêm áp lực lên các công ty buộc phải cắt giảm chi phí, họ đã gia tăng tín nhiệm đối với nhân công làm việc tạm thời, là một xu hướng tăng mạnh trong thời Đại Suy Thoái. “Đây chính là sự phát triển mới chủ yếu trong mô hình tuyển dụng của Nhật Bản, vì các sinh viên mới tốt nghiệp thấy rằng ngày càng khó có thể tìm được một chỗ giữ chân trên nấc thang sự nghiệp với tư cách là một nhân công ổn định,” giáo sư Kingston và Machiko Osawa – giáo sư tại trường Đại Học Phụ Nữ Nhật Bản, đã viết trong “Rủi ro và Hậu quả: Sự Thay Đổi Mô Hình Tuyển Dụng Nhật Bản”, một bài viết ở Nhật: “Tương Lai Bấp Bênh”.
Trong một nền văn hóa đang đề cao vai trò trụ cột của người đàn ông, thì đây là vấn đề đang gây ra hệ lụy nghiêm trọng đến việc kết hôn và sinh con. Đàn ông không có việc làm ổn định không được coi là người chồng lý tưởng, ngay cả khi một cặp đôi muốn tiến tới hôn nhân, và cả hai đều đang làm những công việc không ổn định thì cha mẹ của họ có thể sẽ phản đối, theo Ryosuke Nishida, giáo sư của Học Viện Kỹ Thuật Tokyo, người đã viết về vấn đề thất nghiệp trong giới nhân công trẻ cho biết. Khoảng 30% những người làm công việc không ổn định sẽ kết hôn ở độ tuổi ngoài 30, so với 56% những người có việc làm ổn định, theo giáo sư Kingston. “Nhật Bản có suy nghĩ rằng đàn ông thì phải có việc làm ổn định”, giáo sư Nishida nói. “Nếu bạn tốt nghiệp và không tìm được việc làm ổn định, mọi người sẽ coi bạn là một người bất tài.” Nishida nói rằng, ở Nhật còn có một trò chơi trên bàn cờ tên là “Địa Ngục Trần Gian”, trong đó người nào không giành được một công việc ổn định sẽ phải vật lộn trong phần còn lại của trò chơi.
Phụ nữ muốn công việc toàn thời gian cũng phải tìm cho mình những công việc không ổn định, gây ảnh hưởng đến việc chăm sóc gia đình, vì giờ giấc không ổn định và tiền lương thì thấp. Nhưng sẽ gây trở ngại hơn cho việc kết hôn nếu người đàn ông không có việc làm tốt – khoảng 70% phụ nữ nghỉ việc sau khi sinh con đầu lòng, và đôi khi lệ thuộc vào đồng lương của chồng.
Phụ nữ tại những thành phố lớn ở Nhật Bản nói họ đang mệt mỏi với việc tìm kiếm một người đàn ông để kết hôn. Ở Tokyo, có những công ty mai mối giúp tìm kiếm những người bạn đời. Họ tổ chức những sự kiện để mọi người có thể giam gia. Zwei – một công ty mai mối xúc tiến đã tổ chức một sự kiện, hàng chục phụ nữ tập trung trong một phòng quay nhỏ để tham dự một lớp dạy nấu ăn tôn vinh ẩm thực của tỉnh Miyazaki nằm ở phía nam của Nhật Bản. Sự kiện này là một phần của sáng kiến mà công ty Zwei đã tiến hành để giúp phụ nữ cảm thấy thú vị với cuộc sống và những người đàn ông sống ở ngoài Tokyo. Mô hình kinh doanh của Zwei chủ yếu là mai mối phụ nữ tại những thành phố lớn ở Nhật Bản với đàn ông ở những vùng khác trong nước, nơi đàn ông có khả năng sở hữu việc làm tốt và được xem là những người chồng đáng tin cậy. “Đàn ông ở thành phố này không nam tính lắm và họ không muốn kết hôn”, Kouta Takada, một nhân viên của Zwei nói, theo một khảo sát người Nhật từ 18-34 tuổi gần đây cho thấy có gần 70% đàn ông độc thân và 60% phụ nữ độc thân không có người yêu.
Văn phòng của POSSE, do một nhóm các sinh viên tốt nghiệp đại học thành lập muốn tạo ra một công đoàn cho những người trẻ tuổi. Haruki Konno, chủ tịch của nhóm nói rằng một số người trẻ tuổi đang có việc làm không ổn định đã trở thành “những người tị nạn quán cafe net”, đó là những người sống trong các căn phòng bé xíu cho thuê qua đêm tại các quán cafe mạng. Những người không có việc làm ổn định khác sống cùng với ba mẹ của họ hoặc phải nhận trợ cấp.
Ngay cả những việc làm tốt ở Nhật Bản cũng có thể khốc liệt người Nhật sinh ít con
Nhóm POSSE tính toán rằng những người làm việc không ổn định có mức thu nhập trung bình khoảng 1.800$ một tháng, nhưng phải chi ngần ấy tiền vào việc thuê phòng, trả nợ cho khoản vay học đại học, chi trả cho chương trình an sinh xã hội của Nhật Bản. Trả xong những chi phí này thì không còn bao nhiêu để họ xoay sở. Khoảng 1/4 số sinh viên tốt nghiệp, một tỷ lệ gần tương ứng với số sinh viên học tại các trường đại học lớn, đã được định sẵn những việc làm tốt, trong khi những người khác đều đang chật vật, “Đàn ông ở độ tuổi ngoài 20, họ không có ý định lập gia đình hoặc mua nhà”, Makoto Iwahashi, một thành viên của nhóm POSSE nói.
Làn sóng việc làm không ổn định không chỉ gây ra nỗi lo cho những người đang làm công việc này. Nó cũng làm cho các công ty cảm thấy họ có thể đối xử tệ với nhân viên làm công việc ổn định, bởi vì họ cho rằng những nhân viên này rất may mắn khi có được việc làm ổn định. Biết được những người ở độ tuổi ngoài 20 và 30 đang tìm việc làm ổn định trong tuyệt vọng, các công ty tuyển dụng nhiều người trẻ tuổi và ép họ làm việc thêm giờ mà chỉ được trả rất ít hoặc không được trả lương ngoài giờ, cho rằng hầu hết sẽ không thể trụ nổi các điều kiện làm việc khắc nghiệt này. Nhật Bản có truyền thống lâu đời là làm việc quá sức, tiếng Nhật còn có hẳn một từ “karoshi” – chết do làm việc quá sức, nhưng nó còn tệ hại hơn kể từ thời Đại Suy Thoái, bởi vì các công ty nhận thấy rằng việc làm tốt rất khó tìm ở Nhật Bản thế nên họ càng ép nhân viên của họ nhiều hơn.
Một cuốn sách xuất bản vào năm 2012 có tên là “Các Công Ty Xấu Xa: Những Con Quỷ Nuốt Chửng Nhật Bản”, sử dụng cụm từ “Barakku Kigyo”, được dịch là “các công ty đen tối” hay “các công ty xấu xa”, để mô tả các công ty hưởng lợi từ nhân công bằng cách này. Cụm từ này có từ khi đó và trở thành từ thông dụng ở Nhật Bản. Một nhóm nhà báo và luật sư bảo vệ quyền lợi người lao động giờ đây còn tạo ra giải thưởng “công ty đen tối” nhất trong năm để tặng cho công ty nào đối xử với nhân viên tệ nhất. (Trong năm 2015, công ty Seven-Eleven Nhật Bản đã được bình chọn danh hiệu này). Ngày càng khó hơn để có các công việc ổn định, và các vị trí đó đang được tuyển dụng, họ có lợi thế để tận dụng khai thác tối đa những nhân công này
Kết quả là ngay cả khi những công việc tốt của Nhật Bản cũng có thể rất khốc liệt. Những người nghĩ rằng họ có thể kiếm đủ tiền trang trải chi phí cho gia đình rồi, nhưng họ thường không có thời gian để hẹn hò, hoặc để làm việc gì khác ngoài công việc, ngủ và ăn. Nhiều người bị căng thẳng đến mức họ chỉ có thể tự lo cho bản thân. Tại POSSE, có một chàng trai trẻ tên Jou Matsubara, tốt nghiệp trường Đại Học Rikkyo, một trường đại học uy tín tại Nhật Bản. Matsubara xuất thân từ một gia đình tầng lớp lao động, dù vậy anh ta đã đạt được mơ ước của người Nhật khi tốt nghiệp trường đại học này và có một công việc tại Daiwa House Group, một công ty xây dựng nhà ở của Nhật Bản.
Công ty này tự quảng cáo là một chỗ tuyệt vời để làm việc, nhưng Matsubara, vốn là một đô vật của trường đại học, nói rằng anh sớm nhận ra ở đó chẳng có gì. Mặc dù trên giấy tờ, nhân viên của công ty ra về từ 7 giờ tối, Matsubara nói anh được yêu cầu làm việc tới tận khuya hầu như mỗi ngày. Nhân viên được yêu cầu ký tên ra về lúc 7 giờ tối ngay cả khi họ còn đang làm việc tại văn phòng, và được cấp iPad nên họ vẫn có thể làm ngay cả khi họ không có trong văn phòng. Nếu họ không ký tên ra về, họ sẽ nhận một cuộc gọi vào điện thoại di động sỗ sàng nhắc nhở họ phải ký tên ra về ngay lập tức trong khi vẫn phải tiếp tục làm việc. “Thời lượng mà bạn làm việc trên thực tế và ghi chép trên giấy tờ hoàn toàn không có liên quan gì với nhau”, anh nói. Matsubara hầu như không có thời gian nghỉ phép, and được yêu cầu đi học để có các chứng chỉ về bất động sản vào các ngày thứ Ba và thứ Tư là các ngày anh không phải làm việc. Lối sống này làm cho việc hẹn hò là không thể. Anh nói, thời gian mà đáng lẽ ra anh dành cho việc hẹn hò, thì là lúc sếp của anh lôi kéo đến các hộp đêm, và rồi bắt anh thanh toán.
Sau một năm, những giờ làm việc quá sức và áp lực đã ảnh hưởng tới sức khỏe của anh. Matsubara bị mất ngủ, và bắt đầu nghe thấy các giọng nói trong đầu. Anh nói anh bị trầm cảm, bởi vì anh mong đợi từ công việc ổn định và những gì đã trải qua hoàn toàn khác xa. Matsubara nói rằng anh đã vào bệnh viện cấp cứu nhiều lần vì không thở được. Cuối cùng anh đã bị suy nhược thần kinh. Công ty đã buộc anh phải nghỉ việc và bắt anh trả lại số tiền đã tích lũy từ việc được ở nhà tập thể của công ty (Daiwa House đã không chịu trả lời yêu cầu giải thích). Matsubara giờ đây phải sống nhờ vào trợ cấp. “Cuộc đời tôi đã trôi qua thuận lợi và bị hủy hoại một cách có hệ thống bởi công ty Daiwa House”, anh nói. Trong khoảng 800 người đã bắt đầu làm việc cho Daiwa House cùng với anh thì 600 người đã bỏ việc.
Dĩ nhiên không chỉ Nhật Bản là nơi duy nhất có nhân viên bị lạm dụng và làm việc quá sức, đây không là nước duy nhất có tình trạng gia tăng nhân công tạm thời trong thời đại kinh tế hiện nay. Nhưng có một số điều khiến cho Nhật Bản khác biệt so với Mỹ hay các nước phát triển khác. Thứ nhất là công việc ổn định vẫn còn có giá trị rất cao trong nền văn hóa Nhật, đến nỗi những người không thể tìm được việc làm ổn định, bất kể bằng cấp của họ như thế nào, thường bị lên án theo cách mà người dân ở các nước khác không phải chịu như vậy. “Có một xu hướng là khi một người không có việc làm thì thường họ sẽ bị dè bỉu”, giáo sư Nishida nói.
Thứ hai là Nhật có một nền văn hóa làm việc chăm chỉ và nhiều giờ liền được chấp nhận rộng rãi, còn bị cho là thô lỗ nếu ra về trước sếp của mình. Những người phàn nàn phải làm việc quá giờ thì khó được bạn bè và gia đình thông cảm, huống hồ là chính phủ. Cuối cùng, Nhật Bản là một đất nước có lực lượng công đoàn yếu kém, và thường tập trung vào việc thỏa hiệp với các công ty và duy trì các công việc đang có, hơn là đấu tranh cho nhân công.
Chính quyền của Thủ Tướng Shinzo Abe đã bắt đầu chú ý vào “những công việc tệ hại” ở Nhật Bản, nhưng những người chỉ trích nói chính quyền vẫn làm chưa đủ. Một Ban cải cách lao động của chính phủ đã đề xuất hạn chế số giờ làm việc tăng ca mà các công ty hợp pháp có thể yêu cầu nhân công làm mỗi tháng chỉ nên ở mức 100 giờ . Và năm nay, lần đầu tiên, chính Phủ Nhật Bản cũng công bố một danh sách hơn 300 công ty đã vi phạm luật lao động, hy vọng rằng các công ty bị công khai này sẽ thay đổi lại. Tóm lại, chính phủ đang hỗ trợ phát triển thương mại và cởi bỏ các quy định, nhưng theo giáo sư Kingston của trường đại học Temple nói, rất ít trong số những cải cách đó có thể mang lại thay đổi thật sự.
Chính phủ Abe và nước Nhật nói chung đã tuyên bố sẽ chú tâm vào vấn đề suy giảm tỷ lệ sinh của cả nước. Những cam kết này tập trung vào việc giúp đỡ phụ nữ cân bằng công việc và gia đình tốt hơn, vốn là một trong những nguyên nhân chắc chắn của việc tỷ lệ sinh giảm. Nhưng đó không phải là tất cả: mặc dù đàn ông Nhật Bản lâu nay có khả năng tài chính xã hội hơn phụ nữ nông thôn, họ vẫn cần giúp đỡ để tìm thấy sự ổn định trong một nền kinh tế đang thay đổi.
Theo The Atlantic