Có người cảm thấy sỉ nhục khi bị gọi là otaku, có người lại tự hào tự nhận mình là otaku. Vậy thực chất, nên đánh giá thế nào về nhóm người đặc biệt này?
Quan niệm về otaku đang dần thay đổi
Otaku có một lịch sử lâu dài và phức tạp ở Nhật Bản. Ban đầu, nó hoàn toàn là một từ mang tính tiêu cực, một biệt từ được sử dụng để chỉ những người có sự say mê thiếu lành mạnh đối với nghệ thuật 2D, gồm anime, manga và game nói chung. Nói cách khác, otaku là từ để chỉ người nghiện và tâm lý không bình thường, đến mức gần như cuộc sống chỉ chìm đắm trong thế giới tưởng tượng của các nhân vật 2D mà không còn mối quan tâm nào khác đến thế giới bên ngoài.
Theo định nghĩa của Wikipedia, otaku là một từ lóng trong tiếng Nhật dùng ám chỉ một kiểu người, kì quái, hoặc dùng để chỉ một ai đó quá say mê một cái gì đó, đặc biệt là anime (hoạt hình), manga (truyện tranh), hay game (trò chơi điện tử). Chữ này theo thế giới lại được hiểu chung là những người đọc truyện tranh và xem phim hoạt hình. Các otaku bỏ ra số tiền lớn để mua tất cả những gì liên quan đến anime và manga như một thú sưu tầm không thể bỏ được.
Thực chất, nghĩa gốc của otaku là “nhà bạn” hay “chồng bạn”, được dùng để nói với một người ở gia đình khác với một sự tôn trọng. Nhưng sau đó otaku được dùng theo nghĩa tiếng lòng, do xuất phát từ cách gọi của nhà báo Nakamori Akio. Ông đã dùng chữ “otaku” trong các bài báo của mình trong thập niên 1980 để gọi đùa những người lúc đó chỉ lo ngồi ở nhà ăn chơi. Và dần dần, otaku được hiểu theo nghĩa hiện nay, như trên đã định nghĩa.
Trước đây người ta vẫn sử dụng từ otaku với một thái độ gay gắt, một ác cảm. Một ai đó là một “otaku” ở Nhật Bản sẽ là một sự sỉ nhục.
Những otaku phần lớn được coi là ruồng bỏ xã hội. Họ được mô tả như những người đàn ông nhếch nhác trong áo sơ mi kẻ sọc, quần túi hộp và giày thể thao, lúc nào cũng nặng trĩu ba lô, bước đi rất nhanh làm xáo trộn đường phố vì vội vã chạy đua để mua video game, anime, hay các sản phẩm liên quan đến 2D mới ra sớm nhất có thể.
Trong một cuộc khảo sát vui dành cho những người không thuộc giới otaku với câu hỏi: “Vì sao các otaku luôn bước đi rất nhanh trên đường phố?” , đa số câu trả đều lý giải gần như nhau: “Họ vừa mua được một cuốn truyện, một video hay một tập ảnh nhân vật 2D mình thích và họ phải về ngay để ngắm” .
“ Thế giới xung quanh không thuộc về họ. Họ đang rất vội vã về với các nhân vật 2D của mình”.
Như vậy, theo nghĩa gốc, những người có sở thích anime, manga hay các sản phẩm 2D thông thường chưa được gọi là otaku. Otaku là những người có niềm say mê của họ chuyển sang dạng gần như nghiện và họ gần như sống tách biệt với xã hội.
Nhưng theo thời gian, dần dần nhiều otaku đã xây dựng một hình ảnh khác tích cực hơn, góp phần thay đổi quan niệm của xã hội. Ngày nay, khi cái “tôi” của con người được giải phóng mạnh mẽ, nhiều người sẵn sàng làm những chuyện điên rồ nhất để thể hiện bản thân, thì giới bị gọi là otaku không còn cảm thấy lạc lõng nữa. Thậm chí rất nhiều người tự hào khi tự nhận mình là otaku, bởi họ thấy mình khác biệt.
Quan niệm về otaku ngày nay cũng khác hơn. Bên cạnh nhiều otaku đúng như định nghĩa gốc, thì nhiều otaku ngoài niềm đam mê của mình, họ vẫn hòa nhập vào Xã hội và có nhiều hoạt động tích cực làm thay đối quan niệm của xã hội về otaku.
Otaku là tốt hay xấu?
Như đã nói, hiện nay, quan niệm, thái độ về otaku trong xã hội Nhật Bản vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều và chưa có một cách nhìn nhận thống nhất. Người ủng hộ cũng có mà người chê trách, ác cảm vẫn còn nhiều. Ngay cả câu hỏi “Otaku là tốt hay xấu” (theo nghĩa là tác động tích cực hay tiêu cực của nó đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội) cũng còn gây ra những tranh cãi.
Tuy nhiên, đôi khi một vấn đề phức tạp lại được lý giải bởi một câu trả lời rất đơn giản.
Mới đây, trên Twitter của một người có nickname @yoshiya_448, đã đăng một dòng tweet gây được sự chú ý và cái gật đầu tâm đắc của rất nhiều người. Đây cũng được xem là câu trả lời hợp lý nhất cho câu hỏi trên.
Theo @yoshiya_448, có hai loại otaku, đó là “good otaku” (otaku tích cực) và bad otaku (otaku tiêu cực).
@yoshiya_448 tự nhận bản thân là một otaku thân thiện, rất đam mê game, vocaloid, truyện tranh, nhưng là một otaku hạnh phúc, không bao giờ bị cô lập hay đơn lẻ. @yoshiya_448 nói rằng mình luôn cảm nhận được niềm vui trong nghệ thuật 2D, nhưng quan trọng hơn, khiến mọi người đồng cảm và ủng hộ đam mê của mình.
@yoshiya_448 cho biết, sở dĩ mình có được điều đó là nhờ bài học tuyệt vời đã học được từ giáo viên chủ nhiệm thời trung học của mình (vốn cũng là một otaku). Thầy giáo từng dạy:
“Một “good otaku” thường chia sẻ niềm vui và những điều tuyệt vời mình cảm thụ được với những người xung quanh, để mọi người cũng có thể cảm thấy niềm hạnh phúc đó. Một “bad otaku” thì luôn áp đặt đam mê của mình vào người khác, chọn cách đối đầu với những người có một cách nhìn khác với quan điểm của anh ta, và làm cho những người xung quanh cảm thấy khó chịu”.
Bài học trên cho thấy, bất cứ điều gì cũng có hai mặt của nó. Nếu nhìn nhận, khai thác nó ở khía cạnh tích cực, nó sẽ tác động tích cực lên cuộc sống cá nhân của bạn. Ngược lại, nếu chỉ đi theo hướng tiêu cực, thì tất yếu bạn sẽ tự cô lập và nhận được cái nhìn tiêu cực của xã hội.
Dường như thiếu sót lớn nhất của các “bad otaku” là họ quá khép mình trong thế giới ảo, tự cô lập, tránh giao tiếp, tránh trao đổi với những người xung quanh và sẵn sàng “xù lông” với bất kỳ ai dám suy nghĩ trái ngược với sở thích của họ. Điều đó tự biến họ thành một người lập dị, khó gần và gần như có vấn đề về tâm lý.
Bất cứ ai cũng có quyền có sở thích, niềm đam mê riêng, nhưng điều đó không có nghĩa là người ta quên cuộc sống thực tại, bỏ qua giao tiếp, truyền đạt, trao đổi thông tin và thể hiện quan điểm của mình một cách cởi mở, tích cực với những người xung quanh. Ngược lại, đây chính là những điều mà các “good otaku” làm được và sự khác biệt này khiến các “good otaku” được đón nhận như những người bình thường, có niềm đam mê riêng như bất kỳ ai trong xã hội.
“Lời thầy dạy của tôi đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng của tôi hơn bất kỳ của những câu nói nổi tiếng trong sách tôi đã đọc” , @ yoshiya_448 cho biết đồng thời hy vọng các otaku khác cũng tiếp nhận được bài học này và luôn là một otaku hạnh phúc như bản thân mình.
Có lẽ đây chính là bài học quan trọng, là lời giải hợp lý mà những người đam mê nghệ thuật 2D có thể ghi nhớ, để không chỉ hiểu rõ bản thân mình cũng như niềm đam mê mình đang theo đuổi, mà còn góp phần giúp xã hội ngày càng có cái nhìn cởi cở, thân thiện, tích cực hơn đối với một bộ phận không nhỏ những người được gọi là otaku.