Có thể nói những vị tướng mạnh mẽ và nổi lên trong các giải đấu LMHT được rất nhiều người xem học hỏi và đem vào trong chế độ xếp hạng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà những vị tướng đó thường chỉ mạnh trong đấu giải, còn khi đem vào rank thì thường rất yếu.
Sau đây là những lý do chính cho sự khác biệt này:
Do thiếu sự tương tác giữa những người đồng đội
Ví dụ trong đấu giải, sự ăn ý giữa 2 người chơi xạ thủ và hỗ trợ thường được đẩy lên tối đa. Không những vậy, họ còn luyện tập cho rất nhiều tình huống và có thể nói chuyện với nhau ngay trong trận đấu.
Trong khi đánh rank thì thường chỉ có thể ping hoặc chat, khó có thể kịp thời hiểu ý nhau. Điển hình như bộ đôi Kalista và một tướng hỗ trợ bất kỳ, người chơi hỗ trợ có thể thoải mái lao lên mở giao tranh mà không sợ chết nhờ có Kalista kéo về với chiêu cuối Định Mệnh Vẫy Gọi, Kalista cũng có thể dùng thẳng chiêu cuối để đưa người hỗ trợ vào mở giao tranh. Nhưng trong đánh rank, những quyết định thường được đưa ra từ một phía thay vì sự kết hợp ăn ý của cả 2.
Do không hiểu bản chất của tướng
Trong những ngày gần đây thì Bard trở thành cái tên rất hot trong các giải đấu trên thế giới. Tuy nhiên, khi đem vào trong chế độ xếp hạng thì Bard lại là một trong những tướng “bóp team” mạnh nhất LMHT. Bởi nhiều người chơi không rõ bản chất của vị tướng Bard có thể làm gì và nên làm gì.
Ví dụ như Bard có thể tận dụng khả năng di chuyển nhanh với Hành Trình Kì Diệu cũng như những chiếc chuông trên bản đồ, với tốc độ cao đó Bard có thể đi roam tương đối nhiều để giúp đồng đội mà không lo bị thọt kinh nghiệm (vì đi rất nhanh và chuông cũng có đôi chút kinh nghiệm). Ngoài ra, trước khi đi roam Bard nên đặt một ít Điện An Lạc ở lại đường cho xạ thủ có thể hồi phục khi trụ đường 1vs2.
Còn trong những tình huống khẩn cấp, quyết định tung chiêu cuối Thiên Mệnh Khả Biến vào đâu cũng là vô cùng quan trọng. Ví dụ như team muốn điểm hạ gục mà Bard lại “hóa vàng” đối thủ thay vì trụ, hoặc team muốn lấy trụ mà Bard lại “hóa vàng” luôn cả trụ. Nếu không lắng nghe đồng đội thì rất có thể Bard sẽ tung chiêu cuối “bóp team” cực mạnh.
Do thiếu sự kết hợp giữa cấm và chọn
Trong đấu giải, nhiều người cho rằng sau màn cấm chọn chúng ta đã có thể dự đoán tới 70-80% kết quả trận đấu rồi. Bởi màn cấm chọn đó định hình được cả chiến thuật và khả năng đi đường qua từng con tướng một.
Nhưng ngược lại ở trong rank, cả 5 người chơi thường cấm những vị tướng mà… mình ghét, hoặc có người đôi khi còn không cấm vì… tự tin không sợ tướng nào. Vậy nên khi vào trận đấu, có một số tướng mạnh mẽ như Ornn khó lòng phát huy được hết sức mạnh nếu bị Braum hay các tướng đặc thù nào đó chặn mất chiêu cuối. Hoặc các tướng mạnh như Varus không có tướng hỗ trợ bảo kê, dẫn tới việc chưa kịp cấu rỉa đã phải lên bảng đếm số.
Do khác biệt về kỹ năng và độ thông thạo tướng
Đây là một trong những lý do phổ biến nhất, những vị tướng trước khi được chọn trong đấu giải thường được luyện tập bởi đội tuyển đó hàng chục hay thậm chí hàng trăm lần. Điều đó làm cho người chơi cũng như đội tuyển lựa chọn vị tướng đó hiểu rõ vị tướng đó mạnh yếu lúc nào, thời gian hồi chiêu ra sao, nên làm gì trong giao tranh hay nên mua trang bị gì.
Ngược lại, trong đánh rank thì nhiều người chơi thường đem các vị tướng mà mình mới chơi được đúng 1 trận trong đấu thường, thậm chí là… vừa mới mua tướng và chưa chơi trận nào đã đem vào đánh rank. Yasuo là một ví dụ khá điển hình cho vấn đề này tại máy chủ Việt Nam.
Sau cùng, còn rất nhiều những điều nhỏ nhặt khác nhưng những lý do bên trên là nguyên nhân thường thấy nhất cho sự khác biệt về sức mạnh của một vị tướng trong đánh giải và trong đánh rank.
Nguồn: Gamek.vn