Một hành động nhỏ trên mạng ảo, có thể đảo lộn cuộc sống bên ngoài của bạn bất cứ lúc nào. Sự việc xảy ra đôi khi nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.
Mới đây, một cô nàng xinh đẹp tên T. đã rơi vào tình huống tương tự. Chỉ vì một bình luận vô tư, cô bạn đã bị các trang tin, fanpage “đánh cắp ảnh” để thêu dệt thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự cá nhân. Và cũng vì chuyện này, cuộc sống của T. đang bị đảo lộn.
Sự việc bắt đầu từ lúc T. nhận thấy nhân vật nữ (đã bị che mặt) trong post “suggar baby” tìm “sugar daddy” bao nuôi khá là giống mình. Cô nàng đăng ảnh cá nhân vào phần bình luận của post này để hỏi mọi người có thấy giống không?
Bài đăng mà T để lại bình luận.
Chính T cũng không ngờ từ bình luận vui vẻ này, cô nàng lại gặp vô số rắc rối trong cuộc sống.
Tuy nhiên, tai hoạ ập đến khi hình ảnh của T. trong phần bình luận bị một số Fanpage lấy về minh hoạ cho bài viết có nội dung tiêu cực khác. Đỉnh điểm, còn có bài viết cho rằng T. chính là hoa hậu đi khách với mức giá 50 nghìn đô, trong khi T. chỉ là một cô gái bình thường, không hề có danh hiệu hoa hậu.
(Bài đăng gốc không che mặt nhân vật)
(Bài gốc sử dụng hình ảnh của T. và không che mặt).
Hiện tại T. đang vô cùng bức xúc và cô đã công khai toàn bộ thông tin, hình ảnh mình bị giả mạo, tìm cách liên lạc với các Fanpage để gỡ hình ảnh của mình xuống. Cư dân mạng khuyên cô nên có hành động quyết liệt để bảo vệ hình ảnh cá nhân cũng như kêu gọi nhau báo cáo Fanpage đăng tin sai sự thật.
Trước đó ở bài viết Nhiều cô gái bị ăn cắp hình ảnh, thông tin trên Tinder để đăng tải lên web đen , Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Việc dùng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác để đăng lên các website độc nhằm mục đích bôi nhọ danh dự người khác là hành vi trái pháp luật, rất đáng lên án. Tùy tính chất, mức độ hậu quả của hành vi có thể bị xử lý hành chính, bồi thường dân sự hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi “Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vu khống” theo Điều 156 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, hình phạt cao nhất đến 07 năm tù giam.
Về trách nhiệm dân sự, nạn nhân có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, gỡ bỏ thông tin sai sự thật và bồi thường thiệt hại, trường hợp không thể thỏa thuận thì có thể khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền”.
Nguồn: Gamek.vn