Một số nữ sinh Nhật Bản chọn cách cho máu, móng tay hay tóc vào món chocolate tặng người thương nhân dịp lễ Valentine. Theo họ, đó là cách để mối quan hệ bền chặt hơn.
Trên thế giới, ngày Valentine (14/2) chủ yếu là dịp để phái mạnh bày tỏ tình cảm với người con gái mình yêu. Nhưng tại Nhật Bản, 14/2 lại trở thành cơn đau đầu của các cô gái trong việc chọn mua hoặc làm chocolate để tặng cho mọi người, từ bạn bè thông thường cho đến cả người thương. Ảnh: Getty.
Có 2 loại chocolate chính được các cô gái dùng để dành tặng các chàng trai trong dịp này là “giri choco” (chocolate tình bạn) và “honmei choco” (chocolate tình yêu). Để phân biệt chúng, bạn có thể hiểu như sau: “Giri choco” do tính chất ít quan trọng hơn nên thường được mua với giá khá rẻ hoặc tự làm nhưng không cầu kỳ. Trong khi đó, “honmei choco” dành cho tình yêu nên được đầu tư công phu hơn hoặc mua ở các cửa hàng với giá rất cao. Ảnh: Getty.
Chất lượng chocolate và cách trang trí là hai yếu tố dễ dàng nhất để phân biệt giữa “giri choco” và “honmei choco”. Tuy nhiên, các cô gái Nhật Bản khi tặng thường có thói quen nói luôn cho đối phương đây là loại nào để khỏi gây hiểu nhầm. Ảnh: Getty.
Với nhiều cô gái, họ muốn tự tay dành tặng “honmei choco” cho người mình yêu nên chọn cách làm chocolate ở nhà thay vì mua ngoài hàng. Hành động tưởng chừng rất dễ thương này đôi khi lại trở thành nỗi ám ảnh với các chàng trai Nhật bởi họ không biết người con gái sẽ cho gì vào chocolate. Ảnh: Getty.
Bên cạnh những toping chính như hạnh nhân, dừa hay cacao, nhiều nữ sinh Nhật thích cho một ít thứ trên cơ thể mình vào món chocolate dành tặng người thương để mối quan hệ giữa hai người ngày một gắn bó. Trong trường hợp cô gái mới chỉ yêu đơn phương, để chàng trai “uống máu” mình sẽ sớm khiến trái tim anh ta bị chinh phục. Theo đó, một vài thành phần thường có trong “honmei choco” handmade là máu, nước mắt, nước bọt, móng tay, tóc… Ảnh: @whenhungry, @cantikcantikrakus, @captureadventure, @japanovison.
Vốn biết thứ “bùa yêu” này chẳng có cơ sở khoa học gì nhưng đến nay vẫn nhiều cô gái ở Nhật Bản vẫn tin và làm theo. Tuy nhiên, lợi chưa thấy đâu thì hại đã ngay trước mắt. Việc bỏ máu hay móng tay vào chocolate có thể gây nên nhiều bệnh không mong muốn cho người nhận. Ảnh: Bunka Blog.
Về cơ bản, làm chocolate không phải điều gì đó quá khó khăn. Nguyên liệu bạn cần chủ yếu là chocolate, lò vi sóng, khuôn đúc và topping. Đầu tiên, làm chảy chocolate bằng lò vi sóng (3 lần trong 30 giây). Mỗi lần bạn dừng lại khoảng 1 phút để khuấy đều bằng tay. Sau đó, đổ chocolate đã tan chảy vào khuôn tạo hình và thêm topping tùy thích. Việc còn lại chỉ là cho chúng vào tủ lạnh, đợi đông rồi lấy ra. Tất nhiên, với những “honmei choco” thì ngon không chưa đủ mà còn phải trang trí cho bắt mắt nữa. Ảnh: Nat Geo.
Lý do ngày 14/2 trở thành “cuộc chiến” của các cô gái bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước. Công ty chuyên sản xuất bánh kẹo Morinaga muốn “phổ cập” văn hóa Valentine đến người dân nước này. Tuy nhiên, họ lại gặp lỗi khá lớn trong cách truyền đạt. Thay vì “Valentine là ngày đàn ông dành tặng chocolate cho phụ nữ để tỏ tình” thì công ty này lại biến thành “Tặng chocolate là cách phụ nữ tỏ tình với đàn ông” trong ngày valentine. Cho đến nay, sai lầm này đã được chấp nhận rộng rãi và biến Nhật Bản thành đất nước có ngày Valentine “độc nhất vô nhị”. Ảnh: Getty.