Nhật Bản vốn nổi tiếng là quốc gia có những ý tưởng bán hàng độc đáo đến mức khách mua phải hoang mang. Nếu KitKat từng nổi tiếng với một danh sách những hương vị kỳ cục như cá khô, rong biển, hoặc hãng Muji có bánh uy dế thân thiện với môi trường, thì đầu năm 2020, một hãng bánh tại Nhật lại tiếp tục tung ra sản phẩm có cái tên kinh dị: Bánh mổ bụng tạ lỗi.
Văn hóa xin lỗi và nghi thức sepuku
Trong văn hóa Nhật Bản, xin lỗi thể hiện đức tính khiêm tốn của con người. Đây cũng là đức tính được người Nhật đánh giá rất cao. Cũng vì rất xem trọng việc xin lỗi nên các phép tắc chuẩn mực khi làm việc này cũng khá cầu kỳ.
Thời xa xưa, các võ sĩ đạo Nhật Bản thường thực hiện nghi thức mổ bụng có tên seppuku để tạ lỗi với chủ nhân khi thua cuộc hoặc phạm lỗi sai nghiêm trọng, đi ngược với tinh thần samurai. Nghi thức nghe có vẻ rùng rợn này được đánh giá cao và tượng trưng cho sự liêm chính của người thực hiện. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự biến mất của tầng lớp võ sĩ đạo thì hủ tục này cũng dần bị loại bỏ và chỉ còn tồn tại trong các câu chuyện kể.
Dẫu tục lệ mổ bụng không còn, nhưng văn hóa xin lỗi không vì thế mà phai nhạt. Ngược lại, nó xuất hiện ngày càng nhiều trong mọi hoàn cảnh, từ công việc, giao tiếp cá nhân, ứng xử nơi công cộng, trong các tập đoàn lớn và thậm chí cả trong quan chức chính phủ. Văn hóa xin lỗi phổ biến đến mức từ góc nhìn của người nước ngoài, họ cho rằng người Nhật xin lỗi quá nhiều.
Tất nhiên, đi cùng với lời xin lỗi phải có hành động thể hiện sự chân thành. ‘Mổ bụng tự sát’ từng là hình thức thể hiện sự thành tâm rõ ràng nhất, nhưng quá máu me và khiến người được xin lỗi (nếu không phải người Nhật) sợ phát khiếp. Bởi vậy, ngày nay thay vì thực hiện seppuku thì người Nhật sẽ quỳ tạ lỗi. Kiểu quỳ này được gọi là dogeza, khi thực hiện người xin lỗi phải cúi đầu thật thấp.
Ban đầu dogeza không phải cách xin lỗi, nó mang ý nghĩa một sự tôn kính, phục tùng tuyệt đối. Thế nhưng không rõ từ lúc nào, người Nhật mặc định nó là cách xin lỗi cao quý nhất.
Dogeza khá long trọng, nên đôi khi nó bị xem là thái quá. Chính vì vậy, với nhiều người, họ ưa thích lời xin lỗi thực tế hơn: Xin lỗi đi kèm với đồ ăn như trái cây hoặc hộp bánh thật đẹp, dĩ nhiên cũng phải thật đắt tiền, ít khi mua nữa.
Bánh ‘mổ bụng tạ lỗi’
Nhằm giúp khách hàng thể hiện thành ý xin lỗi, một hãng sản xuất tại Nhật đã quyết định tung ra loại bánh có tên Sepuku monaka (Đang mổ bụng). Trái ngược với cái tên máu me, thực chất bánh Sepuku chỉ khác bánh thường ở chỗ nó được nhồi nhiều mứt đậu đỏ hơn mà thôi. Đậu sẽ được nhồi nhiều đến mức không thể đóng nắp được và khách hàng có thể nhìn thấy được cả phần ‘gan ruột’ (nhân) bên trong.
Trước khi chọn cái tên kinh dị này, nhà sản xuất đã cẩn thận khảo sát ý kiến thị trường và có rất nhiều người đã lo lắng vì cho rằng tên bánh quá bạo lực, sẽ mang lại xui xẻo. Thế nhưng, trái với dự đoán của họ, khi bánh được tung ra thị trường thì nó đã thực sự tạo ra một cú hit với doanh số bánh ra tăng nhanh đến chóng mặt.
Nguồn: Gamek.vn